Ông nói rằng có những người rời Việt Nam 5 năm, 10 năm, 20 năm, và thậm chí 30, 40 năm nhưng “không ai đem trái tim Việt Nam ra khỏi lồng ngực của họ”. Và ông cũng vậy, gần nửa thế kỷ qua chưa bao giờ thôi nghĩ về cội nguồn, về xứ sở Việt Nam.
Ông Trần Bá Phúc hiện là Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu.
Một ngày sau khi Đại hội đại biểu Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 kết thúc thành công tại Khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), doanh nhân Trần Bá Phúc đã dành cho chúng tôi cuộc hẹn cà phê thú vị. Thú thật, không đúng như những gì chúng tôi hình dung về một nhà doanh nghiệp bận rộn xa cách, ông già nổi tiếng này thực sự vô cùng bình dị, dễ gần và cực kỳ hào sảng.
Người nổi tiếng
Khi chúng tôi cùng bước vào tiệm cơm Minh Đức ở đường Tôn Thất Tùng (Q.1, TP.HCM), cô cháu gái đưa mẹ cùng bà ngoại Minh Tuyết (chủ nhân tiệm cơm Minh Đức) đến chào ông Phúc và thân mật như người nhà. Cô cháu này du học bên Úc và từng nhận sự giúp đỡ của ông Phúc. Còn về phần mình, tuy sống ở nước ngoài đã hơn 40 năm và lịch trình công vụ “kín mít” nhưng mỗi lần về nước, ông Phúc đều chỉ muốn tìm cơm Việt Nam. “Tôi quyết định rời Việt Nam là vì muốn tìm cuộc sống mới, muốn kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình. Ngày đó đất nước quá khó khăn. Ngày tiễn tôi đi mẹ tôi đã dành dụm để nấu cho tôi ăn bữa cơm gạo trắng và tôi không bao giờ quên bữa cơm đó”, ông Phúc tâm sự.
Ông bà xưa có câu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” có lẽ vận vào những người như ông Phúc. Hiện nay ông là Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu. Ông Phúc không chỉ có công trong nhiều sự kiện ngoại giao của đất nước mà còn “dính” tới hầu như khắp hoạt động của các lĩnh vực hướng về quê hương. Vào thời điểm cận Tết Giáp Thìn 2024, trò chuyện với chúng tôi, dường như chưa có “việc khó” gì ông Phúc chưa làm được. Ông đã sở hữu rất nhiều kỷ niệm chương của các bộ, ngành, từ Giáo dục – Đào tạo, Ngoại giao, Công thương… đến Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn và ông cũng nhận được Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ... Ở nơi đất khách quê người, ông Phúc từng được nhận Huân chương Thế kỷ và nhiều Bằng khen, ông Phúc cũng được Toàn quyền với Thủ hiến bang Victoria trao giải thưởng xuất sắc đa văn hoá. Rất nhiều nhà báo trước đây khi tiếp xúc với ông Phúc đều có những ấn tượng đẹp về ông...
Ông Phúc tham gia phong trào sinh viên học sinh từ những năm đầu đến Úc lúc còn là sinh viên và tiếp theo là các hoạt động cộng đồng tại Úc. Năm 1987, ông được bầu làm Chủ tịch cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại bang Victoria, một trong những cộng đồng có người Việt Nam đông nhất tại Úc. Ông Phúc kể: Hồi ấy có một số tổ chức chính trị của người Việt ở nước ngoài mời tôi tham gia nhưng tôi từ chối và phản đối vì họ đưa ra cương lĩnh chính trị với đường lối chủ trương còn nhiều mâu thuẩn, hận thù và gây chia rẽ dân tộc. Cộng đồng bầu tôi làm Chủ tịch là cần một người có khả năng trong hoạt động phát triển cộng đồng để hội nhập và hỗ trợ bà con có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi muốn cộng đồng người Việt tại đây hội nhập vào xã hội đa văn hoá Úc, quảng bá những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của Việt Nam với tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc chứ không phải gây mâu thuẫn, hận thù và chia rẽ.
Ước mơ lớn
Sau thành công của Đại hội Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (tên tiếng Anh là Business Association of Overseas Vietnamese, viết tắt là BAOOV), nhiều cơ hội mới đã mở ra theo phương châm "Đổi mới - Đoàn kết - Sáng tạo và Phát triển bền vững".
Từ năm 2010, ông Phúc đã thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (viết tắt là VBAA). Hội được cả hai Chính phủ Úc và Việt Nam công nhận và ngay từ khi ra đời đã trở thành cầu nối an toàn cho doanh nhân Việt Nam tại Úc với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Trần Bá Phúc và bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Là người đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào Úc và khuyến khích các doanh nghiệp Úc nhập khẩu trái cây cũng như nông sản Việt Nam, ông Phúc không làm theo kiểu phong trào, không “đánh trống bỏ dùi” mà tạo mối liên kết bài bản với tham tán thương mại và Đại sứ quán Việt Nam tại Úc để có những sự kiện thường niên chính danh tại Úc. Có doanh nghiệp Úc trước kia chỉ mua và nhập tôm Trung Quốc nhưng bây giờ đã mua và nhập toàn tôm Cà Mau...
Thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024”, Chủ tịch VBAA Trần Bá Phúc cũng là một trong những người năng động hăng hái nhất vì đã rất hỗ trợ sản phẩm Việt Nam vào thị trường Úc, từ thủ tục pháp lý đến hội chợ triển lãm hàng hóa … Và kết quả đều được nhìn thấy ngay, được tính bằng những con số trong báo cáo kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Úc. Đặc biệt, khi Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trưng bày sản phẩm Việt Nam tại Úc ra đời đặt trụ sở ở Melbourne, nơi đây đã trở thành điểm hẹn giao thương sôi động của hàng trăm doanh nhân kiều bào đang sinh sống và làm việc tại bang Victoria. Hạt điều từ Bình Phước, các thực phẩm và sản phẩm có nguồn gốc dừa từ Bến Tre, trái cây đông lạnh hay tiêu hạt và nhiều nông sản, thực phẩm khô khác của Việt Nam... đã có cơ hội đến với người tiêu dùng tại Úc và hải ngoại.
Ông Phúc cũng là một trong những người tham gia hoạt động tích cực đầu tiên gây quỹ xây trường cho học sinh ở Đảo Trường sa thân yêu, khi bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính chọn Úc là nơi đầu tiên đến thăm để phát động gây quỹ vào tháng 9/2012.
Nhiều năm trước khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Úc, ông Phúc cũng đã từng gặp gỡ Tổng Bí thư và sau đó thay mặt bà con Việt kiều đáp từ. Ông Phúc còn nhớ như mới hôm qua: “Tôi nói với Tổng Bí thư, có những người rời Việt Nam 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 hay 40 năm hoặc hơn nữa nhưng không ai đem trái tim Việt Nam ra khỏi lồng ngực của họ. Trong huyết quản của họ vẫn là dòng máu Việt. Đến một lúc nào đó trái tim Việt Nam sẽ đánh thức họ”.
Nguồn: Tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập